Kết quả và ảnh hưởng Chiến_dịch_tấn_công_Bratislava-Brno

Kết quả

Trong chiến dịch Bratislava-Brno, Phương diện quân Ukraina 2 đã tiến sâu hơn 200 km về phía Tây, tiêu diệt 9 sư đoàn Đức, giải phóng thủ đô của Slovakia và chuẩn bị cho đòn tổng tấn công vào Praha từ hướng Nam.

Thương vong của quân đội Liên Xô là 16.933 người chết và 62.663 người bị thương, bị ốm.[2] Trong danh sách binh sĩ hy sinh có thiếu tướng Ye. S. Alyokhin, chỉ huy Quân đoàn bộ binh cận vệ số 27. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Hiện chưa có số liệu rõ ràng về thương vong của quân đội Đức Quốc xã và Romania.

Ảnh hưởng

Tượng đài kỷ niệm Hồng quân Liên Xô tại Quảng trường Morava, Brno

Ở phía Tây Tiệp Khắc, Tập đoàn quân Mỹ số 3 do tướng George Smith Patton. Jr chỉ huy đã tiến đến tuyến České Budějovice - Plzeň - Karlovy Vary. Đây là tuyến giới hạn tấn công được I. V. Stalin, Franklin D. RooseveltWinston Churchill thỏa thuận tại Hội nghị Yalta từ ngày 4 đến 11 tháng 2 năm 1945. Trên lãnh thổ Tiệp Khắc, quân Đức chỉ còn kiểm soát được một phần vùng Bohemia, trong đó có thủ đô Praha và hầu như bị cô lập với các cánh quân Đức tại Berlin cũng như tại các vùng lãnh thổ khác của nước Đức.

Việc quân đội Liên Xô tiến ra tuyến có thể trực tiếp tấn công vào thủ đô của Tiệp Khắc cùng với sự kiện Tập đoàn quân 3 (Hoa Kỳ) tiếp cận biên giới Đức - Tiệp Khắc đã cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân Tiệp Khắc. Ngày 5 tháng 5, nhân dân Praha đứng lên khởi nghĩa chống lại ách chiếm đóng của Đức Quốc xã. Ngày hôm sau, các phương diện quân Ukraina 1, 2 và 4 mở chiến dịch Praha, chiến dịch lớn cuối cùng của quân đội Liên Xô tại châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ghi công và tưởng niệm

Bia tưởng niệm Hồng quân Liên Xô tại bờ sông Danube chảy qua Bratislava

Một lần nữa, Moskva bắn pháo hoa cấp I chào mừng Phương diện quân Ukraina 2, hơn 60 đơn vị và cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Chỉ riêng Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 đã có 7 đơn vị và cá nhân được phong danh hiệu này. Hơn 30 đơn vị từ sư đoàn trở lên được mang tên các thành phố mà họ đã giải phóng, hơn 50.000 sĩ quan và binh sĩ Xô Viết được tặng thưởng huân huy chương các loại.

Cũng như ở các vùng đất khác của Séc và Slovakia, nhiều công trình văn hóa được dựng lên để tưởng niệm các sĩ quan và binh sĩ Xô Viết đã hy sinh để giải phóng Tiệp Khắc. Mặc dù sau khi khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nhiều công trình đã bị dỡ bỏ nhưng đến nay, vẫn còn một số công trình được giữ lại và tôn tạo. Ở trung tâm thành phố Bratislava có tượng đài "Chiến thắng" do Jozef Kostka thiết kế và được xây dựng năm 1946. Tại bờ Bắc sông Danube chảy qua Bratislava còn có một tấm bia tưởng niệm những người lính Xô Viết đã ngã xuống tại đây. Tại nhiều thị trấn và ngôi làng nằm trên vùng biên giới quốc gia giữa Séc với Slovakia, Áo và Hungary cũng có nhiều tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ Hồng quân Xô Viết như Čebín, Nádražní Předměstí (quận Český Krumlov), Teplica... Tại quảng trường Moravská ở trung tâm Brno có một tượng đài kỷ niệm quân đội Xô Viết bằng đồng.

Từ năm 2005 đến nay, nhiều cuộc mít tinh kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức đồng thời cũng là ngày giải phóng Thủ đô Tiệp Khắc được khôi phục và diễn ra xung quanh các công trình kỷ niệm này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Bratislava-Brno http://www.dolin.estranky.cz/clanky/historie---cla... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/06.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/16.html http://militera.lib.ru/memo/russian/ainutdinov_sh/... http://militera.lib.ru/memo/russian/andruschenko_s... http://militera.lib.ru/memo/russian/chirkov_bt/03.... http://militera.lib.ru/memo/russian/mihin_pa/21.ht...